16 octobre 2017

Biệt phủ Yên Bái có bị làm sao không?




Gần 100 người chết và mất tích do mưa bão lũ gây ra từ Quảng Trị đến các tỉnh miền núi phía Bắc mấy ngày qua.

Đau đớn tột cùng khi rạng sáng 12-10, 7 nhà ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bị vùi lấp chỉ trong tích tắc vì lở núi, nhận chìm 18 người. 10 người đã tìm thấy thi thể, những nạn nhân còn lại hầu như không có cơ hội sống sót.



Riêng tỉnh Yên Bái có ít nhất 22 người chết và mất tích, trong đó có một nam phóng viên trẻ, bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp ở TP Yên Bái, vừa tìm thấy thi thể vào chiều qua, 13-10, trong sự tiếc thương vô bờ của người thân và đồng nghiệp.

Hơn 1.100 nhà và 3.190 m đê kè của tỉnh này bị cuốn trôi và sạt lở, thiệt hại vật chất ước tính 120 tỉ đồng.

Trong lúc chúng tôi khẩn trương phản ánh tình hình thiệt hại do mưa bão lũ tại đây thông qua nhiều nguồn tin thì có một dòng comment của bạn đọc gửi đến, hỏi cắc cớ nhưng như xát muối vào lòng: “Biệt phủ của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái có bị làm sao không?”.

Sững sờ một thoáng, chúng tôi liền nhờ người tại chỗ xác minh và sớm có phản hồi: “Lâu đài của ông Phạm Sỹ Quý chẳng hề hấn gì…”.

Biết là vậy nhưng vẫn hỏi cho chắc. Làm sao khu biệt phủ xây bề thế trên diện tích đất 13.000 m2nguy nga tráng lệ như cung điện của vua chúa thời phong kiến lại bị suy suyển bởi gió mưa tầm thường cho được!

Chợt thấy bùng lên ước mơ cháy bỏng cho bao người dân nghèo ở vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối” này: Phải chi nhà nào cũng được kiên cố như thế! Ai cũng siêng năng như ông giám đốc sở, cũng lên núi bứt chổi đót và lá chít về bán mà sao chỉ có mỗi mình ông đủ tiền xây biệt phủ, vậy thì người khác có quyền mơ ước chứ?!

Trong những ngày bình an nắng ráo, cái biệt phủ của quan chức ấy ngạo nghễ mọc lên giữa lô xô nhà tranh vách lá của dân nghèo thì đã thấy phản cảm, đã thấy chướng mắt lắm rồi. Vào những ngày mưa bão nguy ngập, nhìn con nước đục ngầu từ núi cao đổ về, cuốn phăng bao nhà cửa, gia súc, hoa màu và phận người…, thấy như thiên nhiên cũng biết cuồng nộ trước sự tương phản, bất công, trái ngang đang diễn ra trước mắt.

Biệt phủ ấy không có lỗi, có chăng ở chỗ quá trình tạo ra nó. Trong một ngày mà có đến sáu quyết định được ký để biến 13.000 m2 đất rừng thành đất thổ cư cho ông giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xây biệt phủ thì ai mà chẳng nghi ngờ.

Ông giám đốc sở đến giờ vẫn chưa có tội gì vì Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc gần tròn 4 tháng trời rồi mà chưa kết luận. “Tội tình” chăng là ông làm giàu quá giỏi, quá nhanh mà không bày vẽ cho bà con mình (!). Bảo tích cóp được cơ ngơi như thế là nhờ buôn chổi đót và lá chít, ai mà tin hả ông?! Họ chỉ tin hoặc là ông giấu bí kíp làm giàu hoặc có nguồn tài sản bất minh nào đó thôi. Ông nói vay ngân hàng 20 tỉ đồng, tính ra cả gốc lẫn lãi mỗi tháng phải trả 300 triệu đồng, chúng tôi cá rằng các tỉ phú đô-la giàu nhất nhì thế giới hiện nay cũng chưa dám chi bạo tay như ông giám đốc sở của tỉnh nghèo Yên Bái.

Mọi cặp mắt đang đổ dồn về phía Thanh tra Chính phủ, cơ quan đã 5-7 lần hoãn công bố kết luận thanh tra tài sản giám đốc Phạm Sỹ Quý và các vấn đề liên quan. “Món nợ” này cần trả sớm vì nếu chuyện ông Quý xây biệt phủ chẳng có gì sai thì có khi phải tôn vinh ông ấy về điển hình vượt khó làm giàu. Còn nếu sai thì phải xử lý, thu hồi cho công quỹ, để không còn cảnh chướng tai gai mắt thu vén trên mồ hôi công sức của người nghèo, nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau và mất mát của người dân Yên Bái bởi thiên tai.

Biệt phủ Yên Bái có bị làm sao không?”. Bạn đọc chẳng phải truy gió vấn mưa vô tri mà kỳ thực là hỏi Thanh tra Chính phủ đấy. Xin đừng thêm một lần viện lý do “đang thiên tai” mà hoãn công bố như đợt trước, bởi lý do ấy nghe chẳng lọt tai chút nào!





 
Một góc khu biệt phủ của ông giám đốc sở Phạm Sỹ Quý