13 mars 2018

Phụ huynh ép cô giáo quỳ gối xin lỗi: Đạo đức nền tảng ở đâu?


Lê Học Lãnh Vân: "Các biện pháp sửa chữa không thể chỉ dừng lại ở việc kêu gọi chung chung, lên án chung chung. Cần có ngay hành động với tất cả quyết tâm chính trị để chữa căn bệnh trầm kha bạo hành học đường này. Cùng với các loại bạo hành khác như bạo hành y tế, bạo hành đường phố... nền đạo đức suy thoái đang giết lần mòn xã hội, tổ quốc Việt Nam. "

Câu chuyện cô giáo quỳ gối xin lỗi các phụ huynh học sinh trong 40 phút, trong khuôn viên nhà trường, được báo chí và các trang mạng đưa tin, bàn luận nhiều.

Có thể tóm tắt diễn biến sự việc lúc đó như sau:

Các phụ huynh hung hăng tạo áp lực.

Thầy hiệu trưởng có mặt tham gia giải quyết sự việc.

Cô giáo đã thừa nhận mình sai trong việc phạt các em quỳ gối và xin lỗi, nhưng các phụ huynh vẫn không chấp nhận. Cuối cùng, cô giáo phải quỳ xuống trước 4 phụ huynh trong 40 phút. Người phụ huynh buộc cô giáo quỳ gối là thư ký Hội Luật gia một huyện thuộc tỉnh Long An, nguyên là cán bộ tư pháp của xã.

Với diễn biến như vậy, tôi có các câu hỏi sau:




Trường tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra sự việc


1) Không khí lúc đó hẳn là rất căng thẳng. Thầy hiệu trưởng đã có mặt tại chỗ, dù có bận việc gì đi nữa sao thầy không ở lại đến khi mọi việc được giải quyết ổn thỏa, mà lại bỏ đi để cô giáo một mình đối mặt với các phụ huynh đang hung hăng giận dữ?

2) Các phụ huynh có thể trao đổi với cô giáo về phương pháp dạy học, về cách gia đình và cô hợp tác với nhau để giúp đỡ học trò. Tại sao các phụ huynh có thể hung hăng trấn áp cô giáo tới mức như vậy?

3) Tại sao cô giáo chấp nhận quỳ xin lỗi?

4) Não trạng và tư cách nào mà các phụ huynh có thể đòi cô giáo quỳ xuống xin lỗi?

5) Não trạng và tư cách nào mà các phụ huynh có thể chịu đựng cảnh cô giáo quỳ gối trong suốt thời gian hơn nửa tiếng đồng hồ đó?

Với các câu hỏi như trên, tôi có các nhận xét sau:

1) Về thầy hiệu trưởng

Trong khuôn viên mình chịu trách nhiệm, một cô giáo dưới quyền bị bức hiếp mà hiệu trưởng không có biện pháp bảo vệ cô giáo thì hiệu trưởng quá kém cỏi. Kém về sự chu đáo và chu toàn phận sự trong trách nhiệm của mình. Kém về lương tâm chức trách, và cả về lương tâm công dân bình thường khi thấy chuyện bất bình.

3) Về cô giáo

Trước diễn biến sự việc, cô không đủ bản lãnh đối phó. Kẻ lạ vào khuôn viên trường là vào “lãnh địa” của thầy cô. Trong khi thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của cô dưới áp lực của đám đông hung hãn, tôi vẫn nghĩ nếu có kiến thức căn bản vững chắc hơn về vai trò, quyền lợi công dân, về pháp luật, nếu có niềm tin vững chắc rằng pháp luật sẽ bảo vệ người đúng và trừng phạt người sai một cách nghiêm minh, tôi nghĩ có thể cô sẽ có cách thoát khỏi trường hợp khó khăn trước mắt một cách an lành mà không phải quỳ gối.

3) Về các phụ huynh

Khi giận dữ, hung hăng với cô giáo vì lý do cô đã phạt con mình quỳ gối, các phụ huynh đó không có kiến thức và tác phong sống tôn trọng thầy cô, tôn trọng người khác. Họ không suy nghĩ sâu xa, thiếu đạo đức và tác phong thì côn đồ.

Khi yêu cầu cô giáo quỳ xuống, họ rõ ràng thiếu hẳn tinh thần và nếp sống văn minh, tinh thần và nếp sống vốn không cho phép mình sỉ nhục hay làm đau đớn, thương tổn bất kỳ ai. Kẻ côn đồ hung hãn có thể khi giận mất khôn, nhưng khi cô giáo phải quỳ xuống thì tinh thần và nếp sống tốt đẹp kia phải thức dậy trong họ, kéo họ ra khỏi cơn giận, họ phải đỡ cô giáo lên. Nhưng không, chẳng những không làm thế, họ còn để cô giáo quỳ gối 40 phút. Thật là kinh khủng! Họ đã mất hẳn các tố chất cao đẹp cần thiết cho một xã hội lành mạnh rồi sao?

4) Kết hợp với các vụ bạo hành trước kia như thầy giáo bị phụ huynh hay học trò đâm, đánh đổ máu, bạo hành học đường lần này cho thấy nơi làm việc của nhân viên giáo dục không bảo vệ được họ. Không còn là nơi họ có thể trú thân an toàn.

Sự việc này cùng với các vụ việc phụ huynh hay học sinh tấn công thầy cô trước đó, tần số và cách thức tấn công, cho thấy đạo đức xã hội trong lãnh vực liên quan tới giáo dục, tới tinh thần yêu kính thầy cô đã suy thoái tới mức đáng sợ như thế nào!

Các biện pháp sửa chữa không thể chỉ dừng lại ở việc kêu gọi chung chung, lên án chung chung. Cần có ngay hành động với tất cả quyết tâm chính trị để chữa căn bệnh trầm kha bạo hành học đường này. Cùng với các loại bạo hành khác như bạo hành y tế, bạo hành đường phố... nền đạo đức suy thoái đang giết lần mòn xã hội, tổ quốc Việt Nam.

Cần người lãnh đạo đủ tài và đức để giữ gìn, bảo vệ và phát triển đạo đức của từng ngành hoạt động chính của xã hội như ngành Giáo dục, một lãnh đạo có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng xã hội cùng góp lòng góp sức vào công cuộc chấn hưng đạo đức rộng lớn này.


Lê Học Lãnh Vân